Table of Contents
Quy định không lái xe quá 48 giờ/tuần ‘sẽ làm doanh nghiệp vận tải đường dài gặp khó’
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định tài xế ô tô kinh doanh vận tải – vận tải nội bộ không được phép lái xe liên tục quá 4 giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ và trong 1 tuần không được lái xe quá 48 giờ.
Các quy định này vừa được “hiện thực hóa” trong nghị định 168 bằng hình thức xử lý nghiêm khắc: phạt tiền 3-5 triệu đồng kèm hình phạt bổ sung là trừ 2 điểm giấy phép lái xe nếu tài xế vi phạm.
Chủ xe để cho tài xế của mình vi phạm cũng sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng (cá nhân) và 8 – 12 triệu đồng (tổ chức).
Có thuận lợi, có khó khăn
Nhiều năm lái xe container vận tải tuyến Bắc – Nam, tài xế Nguyễn Thế Quang (40 tuổi, đoạt giải Vô lăng vàng 2024) cho biết anh cùng các đồng nghiệp đã dành thời gian tìm hiểu kỹ các quy định mới của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
So với Luật Giao thông đường bộ trước đây, theo anh, quy định về thời gian lái xe đã kế thừa và giữ nguyên việc tài xế không được lái ô tô liên tục quá 4 giờ và không quá 10 giờ một ngày.
“Đây là quy định cần thiết, giúp đảm bảo sức khỏe và sự tỉnh táo cho người lái xe. Anh em có thể nghỉ ngơi 5 – 10 phút để uống nước, vệ sinh cá nhân rồi lại tiếp tục hành trình”, anh nói.
Ông Lê Việt Huy (Công ty FUTA – nhà xe Hà Sơn) cho biết quy định tài xế không được lái ô tô liên tục quá 4 giờ và lái xe không quá 10 giờ một ngày đã được doanh nghiệp duy trì từ lâu, điều này đảm bảo sự tỉnh táo cho lái xe và an toàn cho hành khách.
“Chúng tôi luôn chủ động sẵn các điểm dừng nghỉ cho từng tuyến, việc sắp xếp cho tài xế không lái xe liên tục quá 4 tiếng là hợp lý và dễ dàng thực hiện. Bởi chỉ cần nghỉ ngơi chừng 10 – 15 phút là có thể tiếp tục hành trình”, ông Huy nói.
Tuy nhiên điểm mới của quy định không được lái xe quá 48 giờ/tuần là điều khó khăn nhất đối với cả doanh nghiệp và tài xế Quang.
“Với một số cung đường trước đây chỉ cần một người lái, nay công ty sẽ phải điều hai người, thu nhập của chúng tôi vì thế cũng bị ảnh hưởng” – anh Quang nói và đề xuất quy định có thể “nới” cho tài xế được lái xe không quá 60 giờ/tuần.
Với vai trò quản lý doanh nghiệp, ông Huy nói khó khăn sẽ là phát sinh thêm chi phí nhân lực. “Đối với quãng đường trên 500km chắc chắn sẽ phải cần tới ba lái xe mới đảm bảo thực thi quy định”, ông Huy nói.
Nên cho tài xế chạy thêm giờ
Đánh giá về quy định thời gian lái xe của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ông Phan Thanh Uy (tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô VN) cho rằng quy định không lái xe quá 48 giờ/tuần sẽ khiến cho doanh nghiệp vận tải đường dài gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế các doanh nghiệp, ông Uy cho hay số tài xế xe tải và xe khách đang thiếu và càng khó hơn nếu cần tuyển các tài xế ô tô giường nằm, xe container. Khi doanh nghiệp vận tải phát sinh thêm chi phí, chắc chắn giá hàng hóa và sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
“Các tuyến đường cao tốc cần nhanh chóng được xây dựng, nâng cấp theo quy mô đảm bảo tiêu chuẩn có làn dừng khẩn cấp liên tục, có trạm dừng nghỉ đạt yêu cầu”, ông Uy nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết quy định về thời gian lái xe trên được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ trước đây và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động. Quy định này cũng phù hợp theo Công ước Vienna về giao thông đường bộ.
Sau 4 tiếng lái xe liên tục, người lái xe có thể nghỉ ngơi. Sau khoảng 15 phút, họ được phép tiếp tục hành trình. Mục tiêu cao nhất là giúp người lái xe được tỉnh táo, hệ thần kinh ngắt tình trạng căng thẳng, giúp tái tạo sức lao động.
“Quy định thời gian lái xe, nghỉ ngơi của tài xế còn bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lái xe, góp phần giảm rủi ro tai nạn. Việc thực hiện hiệu quả các quy định này cũng đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa ý thức cá nhân và trách nhiệm của các tổ chức vận tải”, vị đại diện này nói.
Xem thêm:
Dịch vụ vận tải gửi hàng từ Bình Dương đi An Giang
Dịch vụ xe tiện chuyến Hà Nội – Vĩnh Phúc: Lựa chọn tối ưu cho hành trình của bạn